Kiến thức Wiki
Advertisement
Lục Vân Tiên bìa sách

Quán rằng: "Kinh sử đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương."
Tiên rằng: "Trong đục chưa tường,
Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?"
Quán rằng: "Ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm.

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ bá phân vân,
Chuộng bề dối trá, làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời Thúc quí phân băng,
Sớm đầu tối đánh, lằng nhằng rối dân.
Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuôn.

Thương thầy Nhan-tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi, tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt, đã đành phôi pha.
Thương thầy Đồng tử cao xa,
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng bùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu tối đày đi xa.

Thương thầy Liêm Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.
Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.

Phân tích[]

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn lớn của văn học trung đại nước ta, ông không chỉ đóng góp cho nước nhà những bài văn tế hay với hình ảnh người nông dân yêu nước thà chết vinh còn hơn sống nhục mà còn để lại cho đời sau một tác phẩm truyện hay là Lục Vân Tiên. Có thể nói đây là một bộ truyện thơ hay và có giá trị như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đặc biệt trong tác phẩm ấy đoạn trích Lẽ Ghét Thương nổi bật lên những đạo lí về lẽ ghét thương trên đời. Lẽ ghét thương ấy được nhìn qua cái nhìn của ông Quán.

Đoạn trích Lẽ ghét thương (từ câu 473 đến 504) kể về cuộc nói chuyện giữa nhân vật ông Quán và mấy nho sĩ trẻ tuổi. Lục Vân Tiên cùng bạn là vương Tử Trực đi thi, vào quán trọ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử. Trịnh Hâm đề nghị bốn người làm thơ để so tài cao thấp. Trịnh Hâm, Bùi Kiệm thua tài lại còn nghi Lục Vân Tiên và vương Tử Trực gian lận. ông Quán nhân đó mới bàn về lẽ ghét thương ở đời.

Đồng thời đoạn trích cũng là lời cảm khái than đời của ông Quán trước bọn tiểu nhân Trịnh Hâm, Bùi Kiệm huênh hoang, khoác lác, bất tài mà bụng dạ lại xấu xa. Đó chính là việc tầm phào mà ông Quán ghét. ông Quán là nhân vật tiêu biểu cho các nhà Nho mai danh ẩn tích, cũng như ông Ngư, ông Tiều, lấy nghề nghiệp mưu sinh làm tên. Có thể coi đây là nhân vật phát ngôn cho tư tưởng của tác giả.

Bốn câu thơ đầu là lời của ông Quán khi chứng kiến bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm đã thua lại còn nói sai lời khiến cho ông phải bật lên những bất bình của mình bằng cách thể hiện lẽ ghét thương trong đời:

“Quán rằng: "Kinh sử(1) đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng(2) xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương"”

Ông Quán thẻ hiện mình cũng đã là một người tri thức nhưng về mai danh ẩn tích với cái nghề bán quán này. Ông đã có một thời cũng dùi mài kinh sử chăm chỉ cũng thi thố như Vân Tiên và những người kia. thật khá khen cho câu thơ “ Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” ông quán hay chính tác giả đã giải thích cái căn nguyên ghét thương của mình. Theo ông chính vì ghét nên mới thương, chính những cái ghét kia đã làm ảnh hưởng đến cái thương của họ. Mà tiêu biểu là những đời chúa trị làm những điều khiến ông Quán cũng như tác giả ghét vì đấy dân chúng vào những chỗ nguy hiểm khốn khổ.

Tiếp đến mười hai câu thơ sau ông Quán thể hiện cái lẽ ghét của mình, những lẽ ghét được phô bày ra thể hiện ông Quán là một người tri thức khảng khái dám nhìn vào cái sai của đời trước mà nói lên quan điểm của mình:

“Tiên rằng: "Trong đục chưa tường,
Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?"
Quán rằng: "Ghét việc tầm phào”
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm.”

Vân Tiên tỏ ra là một người ham học hỏi không tự nhận mình là tài giỏi, cũng không thấy ông Quán chỉ là một người bán quán mà khinh thường ông. Hỏi ông rằng lẽ ghét thương thế nào thì ông Quán bắt đầu nói về những ghét thương của mình. Ông Quán ghét những chuyện tần phào trong thiên hạ. Truyện tầm phào là những chuyện tranh đua vớ vẩn trong thiên hạ. đặc biệt ông thể hiện cảm xúc tột độ của mình bằng cách lặp từ ghét và thêm vào đó những tính từ cay đắng. Đó là cái ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm can của ông.

Sau đó ông thể hiện sự ghét của mình qua những sự việc cụ thể. Nào là ghét đời Kiệt, đời Trụ vì đam mê nhan sắc nên đã đẩy nhân dân vào những chỗ nguy hiểm, rồi lại đến nhà U nhà Lệ vì đa đoan lắm chuyện mà khiến dân lầm than. Ghét đời Thúc Quí, Ngũ Bá làm cho nhân dân rối ren nhọc nhằn. Có thể nói đó toàn là những triều đại nổi tiếng của Trung Quốc những triều ấy đại diện cho những gì vua chúa làm cho nhan dân phải khổ. Có thể thấy ông Quán có một lòng yêu thương nhân dân hết mực thì mới hiểu được nỗi khổ của nhân dân như thế. Những cái gì có hại cho nhân dân là ông ghét hết, không phải ghét bình thường mà ghét cay ghét đắng.

Những câu thơ cuối thể hiện sự thương của ông Quán, những người ông thương toàn là những bậc hiền nhân quân tử trung quân ái quốc mà ai cũng biết đến. Nào là thánh nhân như Khổng Tử, rồi lại đến học trò hiếu học như Nhan Tử. Hàng loạt những cái tên của những bậc hiền tài được liệt kê ra Gia Cát, Đồng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ. Đó toàn là những người không những có tài mà còn có đức thế nhưng nhiều người trong đó lại có số phận không may mắn người chết sớm, người gặp cảnh loạn lạc cũng chết Ông Quán thương cho những bậc như thế, những người tài đức là những người được kính trọng yêu mến:

“Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông.
Thương thầy Nhan Tử dở dang.
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.
Thương thầy Đồng tử cao xa,
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”

Tác giả kết thúc bằng hai câu thơ cuối cùng như tóm lại cái lẽ ghét thương ở trên đời được nhìn qua con mắt của ông Quán. Đó la những điều thể hiện sự hiểu biết của ông quán cũng như tấm lòng của ông đối với cuộc đời. Chính vì ghét nên mới thương nhân dân, hiền tài. Ông đã từng xem qua nhiều kinh sử và thấy nủa phần ghét nửa phần thương.

“Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”

Như vậy có thể thấy đoạn trích thể hiện rõ tầm nhìn xa trông rộng của một ông chủ quán như thế nào. Tất cả những tên triều đại và việc làm sai trái của họ ông đều biết hết, những bậc hiền nhân quân tử ông cũng biết hết. Qua đó thể hiện người tài trong xã hội còn rất nhiều tuy nhiên chỉ là chán ghét mà ở ẩn vui tuổi già mà thôi.


Vài nét về Nguyễn Đình Chiểu[]

Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 01.7.1822 tại Gia Định, Sài Gòn. Thân sinh thầy đồ Chiểu là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc bị triều đình Huế đàn áp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã gây ra những bão táp kinh hoàng trực tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách chức, sau đó trở vào Nam đón Nguyễn Đình Chiểu, đem gửi cho một người bạn để ăn học. Cuộc sống 8 năm ở Huế đã giúp ông nhận rõ hơn sự thối nát và phức tạp của triều đình, đồng thời có điều kiện để tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc ở đất kinh đô.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt.

Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Nhờ sống gắn bó với nhân dân, ông có điều kiện hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ "Lục Vân Tiên". Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện, đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vừa trọng nể tài năng và nhân cách, lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thầy, đã đem gả người em gái là Lê Thị Điền cho ông. Ngày 17.2.1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ngợi ca chiến công anh hùng của những người "dân ấp dân lân" trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm "Dương Từ - Hà Mậu" dài 3.448 câu thơ mang nội dung phê phán âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ địch, lên án những người thờ ơ, vô trách nhiệm trước cảnh nước mất nhà tan cũng được sáng tác tại đây.

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19.8.1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non". Khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, ông làm thơ điếu họ Phan với ít nhiều ngụ ý phê phán.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh". Tất cả tâm huyết của nhà thơ như dồn vào những câu đau xé lòng người: "Dân sa nước lửa bấy chầy, giặc ép mỡ dầu hết sức". Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn kềnh ra nằm bất tỉnh.

Tác phẩm "Ngư tiều y thuật vấn đáp" được viết vào giai đoạn cuối đời với một bút pháp già dặn hơn và một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị “dưa chia, khăn xé”, nhưng không hề tuyệt vọng.

Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gởi xương cốt tại đây. Người ta kể lại rằng ngày đưa đám ma ông, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, con cháu xa gần, những thân chủ được ông chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn ông, hoặc vì mến mộ, cảm phục một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Advertisement